Kinh tế là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của một quốc gia. Tuy nhiên với các nước đang phát triển hoặc chưa phát triển, không có nhiều nguồn vốn trong nước để thúc đẩy kinh tế, vậy nên chính phủ các nước luôn có những chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó khái niệm FDI ra đời. Nguồn đầu tư từ nước ngoài không chỉ mang lại kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực sản xuất và tạo việc làm. Cùng Power English tìm hiểu về FDI qua bài viết sau nhé!
1. Định nghĩa FDI
Foreign Direct Investment hay FDI là thuật ngữ dùng để chỉ hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài
FDI, viết tắt của Foreign Direct Investment (Đầu tư trực tiếp nước ngoài), là hình thức đầu tư mà các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân từ nước ngoài thực hiện để mua cổ phần, thành lập công ty con, chi nhánh hoặc liên doanh tại quốc gia khác.
FDI mang lại lợi ích cho cả quốc gia nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài. Với quốc gia nhận đầu tư, FDI ngoài tăng cơ hội việc làm còn là nguồn cung cấp vốn, công nghệ hiện đại. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, FDI giúp tăng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tại quốc gia sở tại, góp phần mở rộng quy mô kinh doanh ra toàn cầu.
Tuy nhiên, các quyết định về đầu tư trực tiếp nước ngoài không hoàn toàn dựa trên tiềm năng lợi nhuận mà còn phụ thuộc rủi ro, điều kiện kinh doanh, nhân lực và chính trị tại quốc gia đó.
2. Đặc điểm của FDI
Đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu nhằm mục tiêu sinh lời
- Mục tiêu lợi nhuận: FDI chủ yếu nhằm mục đích sinh lời. Các nhà đầu tư thường tìm cách tối đa hóa lợi nhuận thông qua hoạt động của các doanh nghiệp mà họ rót vốn vào. Điều này đồng nghĩa lợi nhuận từ FDI phụ thuộc trực tiếp vào hiệu quả kinh doanh của các công ty này.
- Can thiệp của nhà đầu tư: Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư là khả năng tham gia vào quản lý hoặc điều hành doanh nghiệp. Các nhà đầu tư thường quan tâm đến việc họ có thể can thiệp và ảnh hưởng đến hoạt động của công ty hay không trước khi đi đến quyết định sau cùng.
3. Tìm hiểu về doanh nghiệp FDI
Doanh nghiệp sở hữu 100% vốn đầu tư nước ngoài cũng được xem là doanh nghiệp FDI
Theo điều 22 của Luật Đầu tư 2020, pháp luật Việt Nam định nghĩa các tổ chức kinh tế với vốn đầu tư nước ngoài như sau:
- Các tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên sở hữu hoặc cổ đông được gọi là doanh nghiệp FDI, theo quy định trong Luật Đầu tư 2020.
- Có hai loại hình doanh nghiệp FDI gồm: Doanh nghiệp với 100% vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài với các đơn vị trong nước.
Các mục tiêu chính của doanh nghiệp FDI bao gồm mở rộng thị trường, khai thác cơ hội kinh doanh mới, tăng cường vị thế toàn cầu và sinh lợi nhuận. Mặt khác, FDI cũng góp phần vào sự tăng trưởng của quốc gia nhận đầu tư thông qua việc tạo việc làm, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật quản lý.
Doanh nghiệp FDI sở hữu các đặc điểm cơ bản sau:
- Hình thức đầu tư: Doanh nghiệp được thành lập với 100% vốn đầu tư nước ngoài, công ty nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam, công ty có sự hợp tác đầu tư kinh doanh theo hợp đồng BCC.
- Hình thức doanh nghiệp: Có thể là công ty TNHH 1 thành viên, 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần, công ty hợp danh.
- Quyền và nghĩa vụ: Doanh nghiệp có quyền và nghĩa vụ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, và có những chính sách riêng cho các doanh nghiệp FDI.
- Mục đích hoạt động: Hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại Việt Nam để có thể kết hợp phát triển thị trường, tăng lợi nhuận tại thị trường Việt Nam.
4. Những điều kiện để trở thành doanh nghiệp FDI
Để trở thành doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp cần có vốn góp bởi nhà đầu tư nước ngoài
4.1. Thành lập/ có vốn góp sở hữu bởi nhà đầu tư nước ngoài
Theo điều 19 của Luật Đầu tư 2020, doanh nghiệp FDI phải được sáng lập/ có sự tham gia góp vốn từ một hoặc nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đòi hỏi các nhà đầu tư này phải có quốc tịch của một quốc gia ngoài Việt Nam.
4.2. Kinh doanh ngành, nghề hợp pháp
Như được quy định trong Điều 6 của Luật Đầu tư 2020, doanh nghiệp không được phép hoạt động trong các ngành nghề cấm như buôn bán ma túy, hóa chất nguy hiểm, mua bán người hoặc các hình thức kinh doanh phi pháp khác.
4.3. Sở hữu giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo từng lĩnh vực
Điều 22 và Điều 39 của Luật Đầu tư năm 2020 quy định, trước khi hoạt động, doanh nghiệp cần có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tùy thuộc vào vị trí và loại hình dự án, giấy này có thể được cấp bởi Ban Quản lý các khu công nghiệp hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
4.4. Thành lập doanh nghiệp
Khi đã có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ pháp lý và đăng ký doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký Kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
5. Các loại hình đầu tư FDI
Có nhiều loại hình đầu tư FDI, bao gồm theo chiều dọc, chiều ngang và tập trung
5.1. Đầu tư theo chiều ngang
FDI theo chiều ngang, còn gọi là Horizontal FDI, là loại hình đầu tư phổ biến hiện nay. Trong mô hình này, nhà đầu tư quốc tế đầu tư vốn vào một công ty ở nước ngoài hoạt động trong cùng ngành/ lĩnh vực với công ty mẹ. Kết quả là, cả hai công ty sẽ cùng sản xuất và kinh doanh sản phẩm giống nhau, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển.
5.2. Đầu tư theo chiều dọc
Không giống như FDI theo chiều ngang, FDI theo chiều dọc là hình thức đầu tư vào các giai đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng, bao gồm các ngành nghề đa dạng. Trong mô hình này, doanh nghiệp đầu tư vào một hoặc nhiều khâu của quá trình sản xuất, từ cung ứng nguyên liệu đến sản xuất sản phẩm cuối cùng.
5.3. Đầu tư tập trung
Ngoài FDI theo chiều ngang và theo chiều dọc, còn có FDI tập trung, là loại đầu tư vào nhiều công ty và tổ chức khác nhau thuộc cùng một doanh nghiệp nhưng ở nhiều ngành nghề khác biệt. Điều này dẫn đến hình thành FDI chùm, nơi vốn đầu tư không trực tiếp liên kết với các nhà đầu tư riêng lẻ.
6. Vai trò của FDI trong việc phát triển kinh tế
FDI đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế
- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: FDI cung cấp vốn đầu tư cần thiết, công nghệ tiên tiến, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững, mở rộng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp địa phương đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh của họ.
- Thuận lợi trong giao dịch thương mại: Các mức thuế nhập khẩu khác nhau giữa các quốc gia có thể gây khó khăn cho giao thương. FDI giúp việc này dễ dàng hơn, nhờ sự hiện diện của các nhà sản xuất quốc tế, nhằm đạt được các mục tiêu kinh doanh.
- Tăng cơ hội việc làm: Các doanh nghiệp FDI thường xuyên cần đến lực lượng lao động để duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh của mình. Khi đầu tư vào một quốc gia mới, họ sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm thông qua việc xây dựng các nhà máy hay văn phòng mới.
- Tạo ra nguồn thuế: Các doanh nghiệp FDI thường phải đóng góp thuế trực tiếp, bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác, tăng nguồn thu cho quốc gia nhận đầu tư.
- Phát triển nguồn nhân lực: Doanh nghiệp FDI thường mang lại công nghệ hiện đại và phương pháp quản lý tiên tiến cho quốc gia nhận đầu tư, tạo điều kiện cho người lao động học hỏi và tiếp cận công nghệ mới, từ đó phát triển nguồn nhân lực của quốc gia.
- Chuyển giao tài nguyên: FDI cũng bao gồm quá trình chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, quy trình sản xuất và các tài nguyên khác, giúp các quốc gia nhận đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và tạo ra các sản phẩm/ dịch vụ có giá trị cao hơn.
Lời kết
Bài viết đã cung cấp những thông tin về FDI, một yếu tố cần thiết trong sự phát triển kinh tế của các quốc gia đồng thời đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho thị trường lao động phát triển. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn!