Kỹ sư là một trong các nhóm ngành nghề phổ biến hiện nay và đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế. Vậy kỹ sư hiểu đúng là gì? Cơ hội nghề nghiệp ra sao? Cùng Power English khám phá chi tiết hơn về nghề này qua bài viết sau nhé!
1. Kỹ sư là gì?
Kỹ sư là thuật ngữ chỉ những chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật
Kỹ sư được hiểu là những chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật, chịu trách nhiệm vận dụng kiến thức và kỹ năng chuyên môn của mình để nghiên cứu, thiết kế, và thực hiện các dự án, từ phát minh hay sáng chế đến việc phát triển sản phẩm, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu sản xuất và cải thiện cuộc sống.
Người giữ vị trí này không thể thiếu trong việc phát triển kinh tế – xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Họ đóng góp không ngừng vào nhiều lĩnh vực đa dạng từ y tế, hạ tầng cơ sở, bảo vệ môi trường đến công nghệ thông tin, qua đó góp phần tạo dựng nền móng vững chắc cho sự tăng trưởng kinh tế.
2. Kỹ sư có phải một học vị không?
Kỹ sư là học vị của một cá nhân tốt nghiệp chương trình bậc đại học chuyên ngành kỹ thuật
Câu trả lời là có, kỹ sư là học vị của một cá nhân tốt nghiệp chương trình bậc đại học chuyên ngành kỹ thuật. Để sở hữu tấm bằng này, người học cần học hết chương trình đại học cơ bản sau đó học tiếp chương trình nâng cao, thời gian học thường dao động từ khoảng 5 – 6 năm.
3. Bằng kỹ sư và bằng cử nhân khác nhau ra sao?
Bằng cử nhân có thời gian đào tạo ngắn hơn bằng kỹ sư
Bằng kỹ sư | Bằng cử nhân | |
Khái niệm | Một loại bằng cử nhân cao cấp của chuyên ngành kỹ thuật. Sinh viên cần học hết chương trình đại học cơ bản, sau đó học tiếp chương trình nâng cao. | Một loại bằng đại học, được trao cho sinh viên khi hoàn thành chương trình học cơ bản, liên quan đến nhiều chuyên ngành khác nhau như công nghệ thông tin, kinh tế, môi trường,… |
Thời gian đào tạo | Khoảng 5 đến 6 năm (bao gồm thời gian đào tạo chương trình đại học cơ bản). | Khoảng 3 đến 4 năm. |
Chuyên ngành | Tập trung vào những ngành kỹ thuật điển hình như điện tử, cơ khí, máy móc, xây dựng,… Yêu cầu sinh viên phải chuyên về một lĩnh vực kỹ thuật cụ thể. | Không yêu cầu phải chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể. |
Tổng quan nội dung đào tạo | Chương trình học tập trung vào các môn thuộc ngành kỹ thuật mà sinh viên đã chọn. Xu hướng chuyên về ứng dụng, thực hành trong đời sống thực tế giúp sinh viên có nhiều kinh nghiệm hơn. | Chương trình học đa dạng, sinh viên sẽ học các môn học đại cương và chuyên ngành cơ bản. Xu hướng chuyên về nghiên cứu, phân tích học thuật, cung cấp kiến thức cốt lõi cho sinh viên về lĩnh vực họ chọn theo học. |
Sơ lược cơ hội nghề nghiệp | Nâng cao cơ hội việc làm trong các ngành nghề kỹ thuật và công nghệ. | Cơ hội việc làm bình đẳng trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. |
4. Những chức danh kỹ sư theo quy định của pháp luật
Kỹ sư được chia thành 4 chức danh theo Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV
Theo Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV, có 4 chức danh kỹ sư tùy vào kiến thức cũng như trình độ chuyên môn của từng người, cụ thể:
4.1. Kỹ sư cao cấp (hạng I)
Dựa vào khoản 3 Điều 8 của Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 14/2022/TT-BKHCN, tiêu chuẩn của kỹ sư cao cấp (hạng I) gồm:
- Phải có bằng thạc sĩ hoặc cao hơn trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.
- Sở hữu chứng chỉ bồi dưỡng về chức danh công nghệ.
- Đã thực hiện ít nhất 1 dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia (hoặc là chủ nhiệm của ít nhất 1 dự án cấp bộ, cấp tỉnh) được đánh giá ở mức đạt trở lên đồng thời là chủ nhiệm của ít nhất 2 dự án khoa học và công nghệ cấp cơ sở với kết quả đạt trở lên.
- Trường hợp viên chức dự thi thăng hạng kỹ sư cao cấp (hạng I), trong thời gian giữ chức danh kỹ sư hạng II hoặc tương đương phải có kết quả hoạt động chuyên môn quy định tại điểm d khoản 3 Điều này hoặc phải đạt ít nhất 4 điểm quy đổi từ kết quả hoạt động chuyên môn.
4.2. Kỹ sư chính (hạng II)
Tiêu chuẩn theo Khoản 3 Điều 9 của Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 14/2022/TT-BKHCN gồm có:
- Trình độ đại học trở lên thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh công nghệ.
- Đã chủ trì 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh ở mức đạt trở lên hoặc tham gia ít nhất 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh đã nghiệm thu ở mức đạt trở lên.
- Trường hợp viên chức thi thăng hạng lên kỹ sư chính (hạng II) thì trong thời gian giữ chức danh kỹ sư hoặc tương đương tối thiểu kì 9 năm. Nếu có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 12 tháng giữ chức danh kỹ sư, tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi/ xét thăng hạng.
4.3. Kỹ sư (hạng III)
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng dựa vào khoản 3 Điều 10 của Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 14/2022/TT-BKHCN gồm:
- Sở hữu trình độ đại học trở lên thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.
- Sở hữu chứng chỉ bồi dưỡng chức danh công nghệ.
- Đã chủ trì 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở được nghiệm thu ở mức đạt trở lên hoặc tham gia ít nhất 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở được nghiệm thu ở mức đạt trở lên.
- Viên chức thi thăng hạng từ kỹ thuật viên (hạng IV) lên kỹ sư (hạng III) phải đang giữ chức danh kỹ thuật viên hoặc tương đương ít nhất 3 năm. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh kỹ thuật viên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi/ xét thăng hạng.
4.4. Kỹ thuật viên (hạng IV)
Theo khoản 3 Điều 11 của Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 14/2022/TT-BKHCN, tiêu chuẩn của kỹ thuật viên (hạng IV) về trình độ đào tạo như sau:
- Sở hữu trình độ trung cấp trở lên thuộc lĩnh vực kỹ thuật hoặc công nghệ.
- Sở hữu chứng chỉ bồi dưỡng chức danh công nghệ.
5. Cơ hội việc làm khi sở hữu bằng kỹ sư
Sở hữu bằng kỹ sư sẽ nâng cao tỷ lệ thành công khi tìm việc
Ngày nay, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư khá cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tỷ lệ tìm việc thành công của sinh viên mới ra trường trong lĩnh vực này được đánh giá là cao hơn so với các ngành nghề khác.
Mặt khác, trong bối cảnh Việt Nam đang trên đà phát triển và đô thị hóa mạnh mẽ, nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực như sản xuất và xây dựng ngày càng tăng. Điều này là minh chứng rõ nhất cho cơ hội nghề nghiệp ngành kỹ sư vẫn rất lớn.
Về thu nhập, lương của vị trí này tại Việt Nam được xác định bởi nhiều yếu tố bao gồm trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, loại công việc và ngành nghề, cũng như vị trí địa lý của công ty,…
Ví dụ, với kinh nghiệm khoảng 1 – 2 năm trong lĩnh vực xây dựng, bạn có thể sở hữu mức lương từ 9 – 14 triệu đồng/tháng. Các chuyên gia có kỹ năng và kinh nghiệm cao cấp hơn có thể đạt mức lương 27 triệu đồng/tháng, còn đối với những người có chuyên môn sâu và kinh nghiệm dày dặn, mức lương có thể lên tới 40 triệu đồng/tháng.
6. Top 9 ngành nghề kỹ sư hấp dẫn nhất hiện nay
Kỹ sư phần mềm là một trong những nghề hấp dẫn hiện nay
6.1. Kỹ sư cơ khí
Kỹ sư cơ khí được biết đến là một trong những nghề lâu đời và ứng dụng rộng rãi nhất hiện nay, giữ vai trò không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế và xã hội.
Đối với những bạn đam mê sáng chế máy móc, nghề này hẳn là lựa chọn hợp lý vì bạn sẽ được học kiến thức từ cơ bản đến nâng cao về chế tạo máy. Mặt khác, kỹ sư cơ khí còn là người phụ trách thiết kế và sản xuất máy móc trong các ngành công nghiệp hàng không, ô tô hay hệ thống nhiệt, robot,…
6.2. Kỹ sư phần mềm
Kỹ sư phần mềm trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong thời đại số hóa hiện nay. Họ chịu trách nhiệm phát triển phần mềm, hệ thống máy tính đáp ứng nhu cầu của người dùng dựa trên kiến thức sâu rộng về lập trình, điều hành bên cạnh việc sử dụng các phương pháp kỹ thuật toán học, khoa học trong thiết kế.
6.3. Kỹ sư y sinh
Kỹ sư y sinh, mặc dù còn khá mới mẻ, nhưng lại đóng góp quan trọng trong ngành y tế bằng cách kết hợp chuỗi kiến thức về toán, hóa, sinh với kỹ thuật. Từ đó mang đến giải pháp đột phá trong y học, phát triển thiết bị y tế, hỗ trợ chữa trị, hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân.
6.4. Kỹ sư hàng không vũ trụ
Kỹ sư hàng không vũ trụ là lĩnh vực thách thức nhất với nhiệm vụ thiết kế, phát triển máy bay, tên lửa, tàu vũ trụ an toàn và hiệu quả, nhờ đó mở ra khả năng vượt qua giới hạn và thời gian trong quá trình chinh phục không gian của con người.
6.5. Kỹ sư hàng hải
Kỹ sư hàng hải là những cá nhân chuyên nghiên cứu, phát triển máy móc, thiết bị trên tàu thuyền, đảm bảo an toàn và hiệu quả cho hoạt động vận tải hay thám hiểm trên biển.
6.6. Kỹ sư hạt nhân
Kỹ sư hạt nhân tập trung vào nghiên cứu năng lượng hạt nhân, một ngành học yêu cầu cao về chuyên môn và nơi làm việc của những kỹ sư này thường tại nhà máy điện hạt nhân hay viện nghiên cứu,…
6.7. Kỹ sư hóa học
Kỹ sư hóa học là người đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghiệp từ thực phẩm đến ô tô, máy tính, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành công nghiệp nước nhà.
6.8. Kỹ sư xây dựng
Kỹ sư xây dựng là ngành nghề tạo nên các công trình từ nhà ở đến cầu đường, trường học, đóng góp vào sự phát triển hạ tầng của xã hội.
6.9. Kỹ sư điện tử
Kỹ sư điện tử là những cá nhân chịu trách nhiệm nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các thiết bị điện tử từ vi mạch đến thiết bị công nghệ cao, phục vụ đa dạng các lĩnh vực.
Lời kết
Bài viết trên cung cấp các thông tin chi tiết về khái niệm, mô tả công việc, cơ hội nghề nghiệp, điểm khác biệt giữa bằng kỹ sư với bằng cử nhân cùng danh sách 9 ngành nghề kỹ sư hấp dẫn hiện nay. Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn.