Đưa ra một mục tiêu cho một dự án hay một kế hoạch cũng có thể là điều gây nhức nhối, một mục tiêu không có cơ sở hay quá “xa vời” có thể khiến bạn lạc hướng và không đạt được kết quả tốt. Vậy nên mô hình SMART được ra đời để chúng ta có thể chọn ra một mục tiêu phù hợp.
Việc học tiếng Anh cũng cần phải có mục tiêu để có thể theo dõi và đánh giá quá trình học tiếng Anh của mỗi cá nhân, mô hình SMART cũng có thể giúp xác định mục tiêu cho mình. Vậy áp dụng như thế nào? Cùng Power English tìm hiểu trong bài viết này nhé!
1. Chi tiết về mô hình SMART
Mô hình SMART
SMART là một mô hình để chúng ta tìm ra được mục tiêu phù hợp nhất. Để xác định được một mục tiêu phù hợp, chúng ta cần dựa vào nhiều yếu tố, chứ không phải chỉ dựa vào cái chúng ta muốn. 5 chữ cái trong SMART sẽ là 5 từ viết tắt đại diện cho 5 yếu tố (hoặc tiêu chí) để bạn đưa ra mục tiêu. Nếu tìm kiếm trên internet, bạn sẽ thấy có vài cách viết khác nhau của 5 từ đó, nhưng đừng lo không biết nên theo cách nào, về cơ bản thì nó cũng sẽ mang một ý nghĩa thôi.
Mô hình SMART sẽ gợi ý 5 yếu tố cơ bản, bạn sẽ đặt một hoặc nhiều mục tiêu đáp ứng tiêu chí đó, sau đó sẽ xem xét và cân nhắc để lựa chọn mục tiêu phù hợp nhất bằng việc chọn ra một mục tiêu hoặc cụ thể hóa thành một mục tiêu.
Lưu ý rằng SMART là 5 yếu tố (hoặc tiêu chí) để chọn mục tiêu, chứ không phải là 5 bước để đặt mục tiêu. Lời khuyên là đừng đưa ra quá nhiều mục tiêu cho mỗi yếu tố, càng ít càng tốt, như vậy sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc quyết định mục tiêu.
S – Specific (Cụ thể)
Tiêu chí Specific đòi hỏi mục tiêu đặt ra phải cụ thể, có giới hạn rõ ràng và bạn phải hiểu được mục tiêu đó. Nếu mục tiêu quá mơ hồ và không thực tế, bạn sẽ mất phương hướng và không thể có được phương án thực hiện phù hợp.
Để làm cho mục tiêu cụ thể hơn, bạn có thể tham khảo các câu hỏi sau:
- Bạn muốn đạt được điều gì?
- Người thực hiện công việc này là ai?
- Bằng cách nào và chiến lược nào sẽ được áp dụng?
- Mục tiêu này sẽ được thực hiện ở đâu?
- Thời gian hoàn thành mục tiêu là khi nào?
- Liệu mục tiêu có tạo ra kết quả cụ thể?
Ví dụ, thay vì đặt mục tiêu chung chung “Tôi muốn sử dụng tốt tiếng Anh”, bạn có thể thay đổi thành mục tiêu cụ thể hơn “Tôi muốn đạt 5.0 IELTS”.
M – Measurable (Có thể đo lường được)
Tiêu chí Measurable trong mô hình SMART đề cập đến mục tiêu có khả năng đo lường được. Thường gặp nhất là mục tiêu liên quan đến những con số như doanh số bán hàng, số khách tiềm năng, số điểm sau một bài thi,…
Với mục tiêu là một con số, bạn có thể dựa vào đó để theo dõi và đánh giá những công việc đang thực hiện có hiệu quả hay đang đi đúng hướng không và có những điều chỉnh cần thiết. Sau khi hoàn thành, bạn cũng có thể dựa vào con số để đánh giá được hiệu suất để đưa ra những bài học và kinh nghiệm, cải thiện cho những dự án hoặc kế hoạch sắp tới.
A – Attainable (Tính khả thi)
Việc thiết lập mục tiêu có sự thử thách là điều có thể tạo ra động lực phấn đấu cho cho bản thân hoặc cả nhóm, nhưng đôi khi thử thách quá lớn sẽ tạo ra nhiều áp lực và gây ra tác dụng ngược. Vậy nên bạn cần dựa trên tình hình thực tế, năng lực bản thân và của đồng đội, ngân sách hiện có, kết quả từ dự án trước… để đưa ra mục tiêu có tỉ lệ thành công cao.
R – Relevant (Sự liên quan)
Chữ R trong mô hình SMART được hiểu là Relevant, nghĩa là “sự liên quan”. Tiêu chí này đề cập đến sự liên quan giữa mục tiêu, công việc, điều mà bạn hoặc đồng đội thực sự cần đạt được, nghe thì có vẻ thừa nhưng thực tế có rất nhiều trường hợp đưa ra mục tiêu mà không hề liên quan tới công việc. Nó sẽ làm bạn đi chệch hướng và rất khó hoặc không thể đạt được mục tiêu.
Ví dụ như bạn đang cần chứng chỉ tiếng Anh nhưng lại đặt mục tiêu giao tiếp tiếng Anh tốt, vốn dĩ mục tiêu đó đã không cụ thể, mà nó không liên quan tới cái bạn cần, bởi một người có thể giao tiếp tốt chưa chắc có thể đủ điều kiện để thi chứng chỉ tiếng Anh.
Vậy nên hãy xem xét bạn hoặc nhóm của bạn thực sự cần điều gì, đặt mục tiêu liên quan tới điều đó và đưa ra những công việc phù hợp.
T – Time-based (Thời gian hoàn thành)
Đặt thời gian hoàn thành là điều cần thiết khi thực hiện một việc, nó sẽ hạn chế sự trì hoãn và thúc đẩy tiến độ làm việc. Việc đặt ra giới hạn thời gian cũng có thể là một mục tiêu đề bạn hoặc nhóm có động lực làm việc. Ví dụ như hoàn thành công việc trong 7 ngày, vậy 7 ngày là mục tiêu của bạn.
Nó khá giống với yếu tố Measurable, tuy nhiên yếu tố này chỉ nói đến thời gian, không phải con số chỉ kết quả công việc. Với loại mục tiêu này, nó sẽ phù hợp cho những công việc như thiết kế, viết content, coding,… bởi thường những công việc này hơi khó để đưa ra mục tiêu có thể đo lường và rất quan trọng yếu tố thời gian.
2. Lợi ích của mô hình SMART
Mô hình SMART giúp xác định mục tiêu phù hợp
Xác định mục tiêu phù hợp
Như đã nói ở trên, SMART sẽ giúp xác định được mục tiêu phù hợp nhất đối với cá nhân, đội nhóm, phòng ban hay cả một doanh nghiệp. Nếu không có được mục tiêu phù hợp, mất định hướng trong quá trình làm việc là điều khó mà tránh khỏi.
Hỗ trợ xây dựng kế hoạch
Dựa vào mục tiêu đã xác định được, bạn sẽ có thể đưa ra những phương án có thể thực hiện, và từ đó xây dựng được một kế hoạch hoặc lộ trình thực thi để đạt được mục tiêu đó. Tuy bạn có thể thực hiện bước xây dựng kế hoạch trước, nhưng tốt nhất nên xác định mục tiêu trước để đảm bảo mọi thứ đi đúng hướng.
Tạo thêm động lực
Mục tiêu là điều thúc đẩy chúng ta cố gắng đạt được, nếu như làm việc mà không có mục tiêu thì chúng ta gần như không có cơ sở để phấn đấu, cố gắng và phát triển, mọi việc làm sẽ trong trạng thái “làm cho có”. Từ mục tiêu đã xác định trong mô hình SMART, bạn hoặc nhóm của bạn có thêm động lực để cố gắng và nỗ lực hơn, giúp phát triển sự nghiệp và bản thân mình.
Giảm bớt áp lực
Áp lực được tạo ra từ nhiều nguyên nhân, không có mục tiêu cũng là một trong những nguyên nhân đó. Tại sao ư? Bạn sẽ có cảm giác như việc làm của mình không có tác dụng hoặc cảm giác như không có điểm dừng, bạn cứ làm và làm, nghĩ thì có vẻ đơn giản nhưng dần nó sẽ tạo ra áp lực rất lớn.
Mục tiêu được đưa ra một cách cụ thể và chi tiết giúp bạn hoặc đồng đội của bạn dễ thực hiện hơn, biết được mình cần đạt được gì và cần làm những gì, từ đó giúp hạn chế tạo nên áp lực. Tuy nhiên, hãy sử dụng mô hình SMART theo cách thông minh, bởi nếu lỡ đặt một mục tiêu quá khó thực hiện hoặc không thể thực hiện, nó cũng sẽ gây ra áp lực lớn.
3. Làm thế nào áp dụng mô hình SMART vào học tiếng Anh?
Mô hình SMART giúp tìm ra mục tiêu học tiếng Anh phù hợp mỗi cá nhân
Học tiếng Anh cũng cần phải có mục tiêu, bởi việc không có mục tiêu sẽ rất dễ khiến bạn chán nản và tốn rất nhiều thời gian để cải thiện kỹ năng tiếng Anh. Nếu không biết nên đặt mục tiêu như thế nào cho hợp lý, bạn có thể sử dụng mô hình SMART để tìm ra cho mình mục tiêu học tiếng Anh. Bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây:
- Specific: Hãy rõ ràng về mục tiêu học tiếng Anh của bạn, tránh những mục tiêu chung chung. Thay vì nói “Tôi muốn thành thạo tiếng Anh,” hãy nói “Tôi muốn có thể tự tin giới thiệu về bản thân bằng tiếng Anh.” Việc này giúp mục tiêu của bạn dễ dàng theo dõi và đạt được hơn.
- Measurable: Đặt ra các tiêu chí cụ thể giúp đo lường tiến độ học của bạn. Chẳng hạn, bạn có thể quyết định học và áp dụng 10 từ vựng mới mỗi tuần và kiểm tra bản thân qua các bài kiểm tra ngắn.
- Attainable: Mục tiêu của bạn cần nằm trong khả năng đạt được. Nếu bạn mới bắt đầu, đừng kỳ vọng sẽ giao tiếp trôi chảy trong một tháng. Hãy chia nhỏ mục tiêu thành các bước nhỏ, từng bước một tiến tới thành công.
- Relevant: Mục tiêu của bạn cần phản ánh khả năng và hoàn cảnh thực tế của bạn. Nếu bạn chỉ có một giờ mỗi ngày để học, đừng đặt mục tiêu yêu cầu nhiều thời gian hơn.
- Time-based: Hãy đặt ra thời hạn cụ thể cho mục tiêu của bạn. Có thời hạn giúp bạn giữ được động lực, tránh cảm giác choáng ngợp và làm cho việc học trở nên cấp thiết hơn, giúp bạn tập trung đúng vào mục tiêu ban đầu.
Lời kết
SMART là một mô hình hiệu quả trong việc xác định mục tiêu cho một kế hoạch, dự án, học tập,… vậy nên bạn có thể hoàn toàn có thể áp dụng nó vào việc học tiếng Anh của mình. Nếu bạn đang mất định hướng khi học tiếng Anh, hãy áp dụng SMART ngay bây giờ để có thể cải thiện tiếng Anh nhanh chóng và hiệu quả.